Lịch sử Siêu_lục_địa

Phổ biến nhất, các nhà cổ địa lý học sử dụng thuật ngữ siêu lục địa để chỉ một vùng đất rộng lớn duy nhất, bao gồm tất cả các châu lục ngày nay. Siêu lục địa sớm nhất đã biết có lẽ là Vaalbara. Nó hình thành từ các tiền-lục địa và là một siêu lục địa vào khoảng 3,1 tỷ năm trước (3,1 Ga). Vaalbara đã vỡ ra khoảng 2,8 Ga. Siêu lục địa Kenorland hình thành khoảng 2,7 Ga và sau đó vỡ ra vào khoảng sau 2,5 Ga thành các nền cổ tiền-châu lục, gọi là Laurentia, Baltica, AustraliaKalahari. Siêu lục địa Columbia hình thành và vỡ ra trong giai đoạn từ 1,8 tới 1,5 Ga.

Siêu lục địa Rodinia vỡ ra khoảng 750 triệu năm trước (750 Ma). Một trong các mảnh của nó bao gồm phần lớn của các châu lục hiện nay nằm ở Nam bán cầu. Các mảng kiến tạo đã đem các mảnh của Rodinia lại cùng nhau theo các cấu hình khác biệt trong Hậu Cổ sinh, tạo thành siêu lục địa được biết đến dưới tên gọi Pangaea. Pangaea sau đó vỡ ra thành các siêu lục địa phía bắc và phía nam, với tên gọi tương ứng là LaurasiaGondwana.

Các nghiên cứu ngày nay đã gợi ý rằng các siêu lục địa hình thành theo các chu kỳ, hợp lại và tách ra bởi chuyển động của các mảng kiến tạo, với chu kỳ xấp xỉ 250 triệu năm.